Quản lý và sử dụng đất ở Việt Nam đã và đang có những thay đổi cơ bản theo chủ trương xã hội hóa ngành lâm nghiệp của Chiến lược Lâm nghiệp quốc gia. Mục tiêu chính của xã hội hóa ngành lâm nghiệp là nhằm giảm nghèo cho các cộng đồng có đời sống phụ thuộc vào rừng. Các hộ gia đình sẽ được giao đất, nhờ vậy sẽ có nhiều cơ hội hơn để tạo thu nhập, đồng thời được trao các quyền liên quan đến đất rừng sản xuất và phòng hộ.
Mối quan hệ giữa TBI Việt Nam, Trường Đại học Nông Lâm Huế (Trường ĐHNL Huế) và Bộ môn Nghiên cứu Quốc tế (IDS/UU-thuộc Trường Đại học Utrecht Hà Lan) đã góp phần nâng cao năng lực thể chế cho Trường ĐHNL Huế, đồng thời tạo ra một mạng lưới các nhà nghiên cứu, và sinh viên năng động từ các chuyên ngành khác nhau. Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho các giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ của Trường ĐHNL Huế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội có sự tham gia, theo đó tập trung vào phương pháp nghiên cứu liên quan đến phát triển sinh kế và quản lý tài nguyên thiên nhiên tổng hợp.
Ươi là một loài cây đa mục đích ở Việt Nam. Quả Ươi được dùng để sản xuất thức uống có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Ngoài ra, cây Ươi còn cho gỗ. Trước đây, cây Ươi có nhiều ở Vườn quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng như ở khu vực phía Nam thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, do tập quán khai thác “triệt”, loài cây này đang đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng, vì vậy cần phải có giải pháp bảo tồn phù hợp nhằm sử dụng bền vững, duy trì và phát triển cây Ươi. Việc xây dựng và triển khai các giải pháp bảo tồn cây Ươi đã được xác định bởi mục tiêu của Chiến lược lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020.